
Năm 2024, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là sự phục hồi nhanh và mở rộng của sản xuất công nghiệp, với chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Hoạt động xuất khẩu cũng đạt kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có FTA với Việt Nam.
Năm 2024 cũng là năm thứ 9 Việt Nam ghi nhận xuất siêu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự vào cuộc của ngành Công Thương, tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản, với giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2% và xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong ngành, chủ yếu là do tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong tổ chức thực hiện và kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành chưa tốt. Sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận còn hạn chế, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, năng lực của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao.
Để khắc phục, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi.
Thứ hai, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế, coi đây là nhiệm vụ "đột phá của đột phá".
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn.
Thứ năm, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại.
Thứ sáu, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng Đề án, theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đồng thời làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn ngành.