
Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành trong 5 năm, với hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 do EVN và PVN làm chủ đầu tư. Bên cạnh dự án quy mô tập trung này, Việt Nam cũng sẽ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ trên cả nước.
Bộ Công Thương cho biết, ngoài Ninh Thuận, ít nhất ba địa điểm khác sẽ được xác định để xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030. Quyết định này nằm trong kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhằm tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo và phát triển các nguồn năng lượng nền, đảm bảo nguồn cung điện ổn định và bền vững.
Công nghệ lò phản ứng module cỡ nhỏ và vừa (SMR) được xem là giải pháp phù hợp, với chi phí đầu tư và thời gian xây dựng thấp hơn so với nhà máy tiêu chuẩn. Ước tính chi phí đầu tư mỗi kW theo lò SMR dao động 7.000-12.000 USD, thời gian xây dựng khoảng 2-3 năm.
Theo dự thảo, tiềm năng phát triển điện hạt nhân có thể xem xét tại ba vùng: Nam Trung Bộ (25-30 GW), Trung Trung Bộ (10 GW) và Bắc Trung Bộ (4-5 GW). Tám vị trí tiềm năng, nằm ở năm tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh.
Ông Ngô Tuấn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, nhận định việc tái khởi động dự án điện hạt nhân là bước đi chiến lược, đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn, có thể rút ngắn thời gian thực hiện nếu có quyết tâm và cơ chế phù hợp.