
Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 đang được UBND tỉnh Lâm Đồng trình lên Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ để xem xét và phê duyệt. Phạm vi nghiên cứu của đồ án bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850m trở lên, tổng diện tích tự nhiên khoảng 336.067 ha.
Đồ án xác định Đà Lạt là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Thành phố cũng là trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia, trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia, trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm, trung tâm văn hóa nghệ thuật thể dục thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Theo quy hoạch, Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ phát triển thành 02 vùng:
- Vùng phía Bắc: Đô thị trung tâm gồm Đà Lạt và Lạc Dương (dự kiến sáp nhập vào Đà Lạt mở rộng vào năm 2030), đóng vai trò lịch sử, bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, và trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao.
- Vùng phía Nam: Phát triển các cụm đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung, tái cấu trúc đô thị Đức Trọng, D'Ran, Thạnh Mỹ, Nam Ban. Trong đó, Đức Trọng sẽ là trung tâm sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm logistic cấp vùng và có thể trở thành trung tâm hành chính mới của tỉnh, đầu mối giao thương quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đang xúc tiến các dự án quan trọng khác như khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm với sự hợp tác của đối tác Trung Quốc và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế từ Đà Lạt.