
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khởi công vào cuối năm 2026
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500km, kết nối 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm 2026. Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết triển khai Nghị quyết 172/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này.
Kế hoạch chuẩn bị dự án chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến hoàn thành thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt từ nay đến tháng 9/2026.
- Giai đoạn 2: Giải phóng mặt bằng, thực hiện từ năm 2025 đến tháng 6/2028, bao gồm bàn giao cọc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng khu tái định cư.
- Giai đoạn 3: Chuẩn bị triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình từ tháng 10/2026 đến tháng 12/2026.
TP.HCM đầu tư hơn 77.000 tỷ đồng phát triển cảng biển đến năm 2030
Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các khu bến cảng trọng điểm bao gồm Cát Lái - Phú Hữu, sông Sài Gòn, Hiệp Phước, Nhà Bè, Long Bình và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
- Khu bến Cát Lái - Phú Hữu: Đầu tư 07 bến cảng với 22 cầu cảng, dài 3.640m, năng lực thông qua 90-99 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
- Khu bến sông Sài Gòn: Chuyển đổi công năng thành bến đón khách sau khi di dời, trước mắt vẫn khai thác với quy mô hiện tại, phục vụ 93.000 - 101.000 lượt khách mỗi năm.
- Khu bến Hiệp Phước: Đầu tư 20 bến cảng, dài 8.372m, đáp ứng năng lực thông qua 73-84 triệu tấn hàng hóa.
Hà Nội chi gần 880 tỷ đồng xây cầu vượt Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6
Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn – Quốc lộ 6, với tổng mức đầu tư gần 880 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2026–2028. Cầu vượt có quy mô 4 làn xe, nhịp chính và nhịp dẫn bằng thép, dài khoảng 883m. Dự án nhằm giải tỏa áp lực giao thông và cải thiện diện mạo đô thị khu vực phía Tây Thủ đô.
Lấy ý kiến về sáp nhập TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
TP.HCM lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập thành phố mới, mở rộng không gian phát triển. TP.HCM sau sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người và 190 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) và các cơ sở tại trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu của việc sáp nhập là phát triển nhanh, bền vững và thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.