
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã gửi văn bản đến Sở Tư pháp TPHCM đề xuất các giải pháp xử lý liên quan đến việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại thành phố.
Sở TN-MT đề xuất chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục về cấp xã và bãi bỏ 6 thủ tục do trùng lặp với thẩm quyền của cấp tỉnh. Đáng chú ý, Sở TN-MT kiến nghị chuyển thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (đối với cá nhân) từ cấp huyện xuống cấp xã. Mục đích của việc này là để giải quyết thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho người dân và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý tại cơ sở. Đây cũng là một trong nhiều nội dung Sở đề xuất cần điều chỉnh trong Luật Đất đai năm 2024.
Sở TN-MT đề xuất 10 nhóm vấn đề trọng yếu cần rà soát, sửa đổi trong Luật Đất đai để phù hợp với tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp:
- Quy hoạch sử dụng đất: Loại bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, chỉ lập quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong quản lý.
- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất: Tùy từng loại đất và đối tượng, chuyển thẩm quyền lên cấp tỉnh hoặc xuống cấp xã. Với cá nhân, đề xuất giao cấp xã thực hiện.
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân: Chuyển thẩm quyền từ cấp huyện về cấp xã.
- Bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất: Xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
- Quản lý đất công ích, đất chưa sử dụng: Giao về cấp tỉnh để đảm bảo hiệu quả khai thác và quản lý thống nhất.
- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai: Tiếp tục phân cấp theo mô hình tổ chức mới sau sắp xếp.
- Cơ chế tài chính về đất đai: Cần cải cách toàn diện, đảm bảo nguồn thu ổn định khi không còn cấp huyện.
- Đăng ký đất đai và bản đồ địa chính: Rà soát, cập nhật theo địa giới mới; giao cấp tỉnh đảm nhiệm.
- Cơ chế giám sát, kiểm tra lĩnh vực đất đai: Tập trung thẩm quyền về cấp tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
- Quy định liên quan đến tài nguyên, môi trường và nông nghiệp: Cần sửa đổi để phù hợp với mô hình không còn cấp huyện.
Hiện nay, hệ thống văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM gồm một văn phòng cấp thành phố và 22 chi nhánh tại các quận, huyện. Sở TN-MT đề xuất tổ chức lại thành 9–12 văn phòng theo cụm địa bàn, bố trí theo vị trí địa lý và lưu lượng hồ sơ, thay vì gắn với ranh giới đơn vị hành chính cấp huyện như hiện tại. Những nhiệm vụ có tần suất cao, gắn với người dân như: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, gia hạn quyền sử dụng đất, xác định diện tích đất ở, thu hồi Giấy chứng nhận… sẽ giao cho cấp xã thực hiện. Những nhiệm vụ chuyên môn sâu hoặc liên vùng như: xác lập bản đồ địa chính, quản lý dữ liệu đất đai, giám sát môi trường… sẽ do cấp tỉnh phụ trách.