
Theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield, thị trường bất động sản Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn duy trì sự kiên cường dù có nhiều bất ổn kinh tế toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy sự phục hồi nhu cầu trong nước và đầu tư vào bất động sản vẫn ổn định.
Tuy nhiên sự biến động chính sách có thể làm chậm lại tăng trưởng do nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Các yếu tố nền tảng vững chắc của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang giúp giảm thiểu tác động tiêu cực. Thị trường bất động sản vẫn duy trì sự kiên cường song vẫn bị ảnh hưởng bởi sự trì hoãn trong quyết định của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong bối cảnh thuế quan thay đổi và các cuộc chiến thương mại tiềm ẩn, các ngành sản xuất xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện tại đang mang lại lợi ích cho các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Á và Ấn Độ.
Nhu cầu bất động sản thương mại vẫn ổn định, với các giao dịch thuê văn phòng tiếp tục diễn ra tại các thị trường chủ chốt như Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Quý I/2025, diện tích văn phòng được hấp thụ mới trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sức mạnh của đồng USD và hiệu suất đầu tư hấp dẫn đang thúc đẩy dòng vốn toàn cầu đổ vào thị trường bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là các tài sản ổn định như logistics, trung tâm dữ liệu và nhà ở. Dòng vốn toàn cầu vào bất động sản thương mại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã tăng từ 15% lên gần 25% trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump, với khối lượng đầu tư tăng từ 25 tỷ USD lên 45 tỷ USD.
Trong bối cảnh bất ổn, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm các tài sản tạo thu nhập ổn định của bất động sản thương mại, bất chấp việc phải đối mặt với rủi ro cao hơn. Các thị trường và ngành mục tiêu có khả năng là những nơi ít chịu ảnh hưởng từ các cơn gió ngược kinh tế vĩ mô toàn cầu và có các đặc tính xuyên chu kỳ. Bao gồm chung cư tại Nhật Bản, hậu cần và công nghiệp tại Úc, và các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore.
Thương mại với Hoa Kỳ là một thành phần quan trọng của tăng trưởng cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các thị trường về mức độ đóng góp của quan hệ thương mại này vào tăng trưởng kinh tế. Một số thị trường, như Việt Nam, có mức độ rủi ro cao và do đó bất kỳ sự chậm lại nào trong thương mại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế địa phương.
Chuỗi cung ứng đã được tái thiết kế trong và sau nhiệm kỳ đầu của chính quyền Trump. Tuy một phần để đáp ứng các mức thuế liên tục áp đặt lên sản phẩm từ Trung Quốc đại lục, sự thay đổi này cũng phản ánh các động lực khác.
Việc Trung Quốc đại lục dịch chuyển sang sản xuất hàng hóa giá trị cao hơn, cùng với chi phí lao động và giá bất động sản thấp hơn ở Ấn Độ và Đông Nam Á, đã thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng công nghiệp tại các địa điểm này. Các mức thuế toàn diện, như mức 10% của hiện tại sẽ ít làm thay đổi sự hấp dẫn của các thị trường này.
Tuy nhiên, nếu mức thuế thay đổi tùy theo thị trường hoặc sản phẩm, các nhà sản xuất có thể phải đánh giá lại chuỗi cung ứng và tìm cách tối ưu hóa. Trong ngắn hạn, việc rời bỏ là khó xảy ra. Thay vào đó, môi trường biến động hiện tại có thể gây ra sự trì hoãn trong việc ra quyết định và làm giảm nhu cầu tổng thể về không gian Bất động sản