
Phiên đấu giá 36 thửa đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội dự kiến diễn ra vào ngày 28/12 đã bị hoãn. Các thửa đất có diện tích từ 90-220,6m2 với giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng/m2. Người tham gia đấu giá phải đặt cọc 20% giá khởi điểm, tương đương từ 44 triệu đến hơn 109 triệu đồng.
Trước đó, 5 đối tượng đã bị tạm giữ do liên quan đến vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 tại một phiên đấu giá khác ở Sóc Sơn rồi "xin" rút. Có 36/58 lô đất bị các đối tượng thông đồng, trả giá cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ đấu.
Đây không phải lần đầu Hà Nội hoãn đấu giá đất. Nhiều địa phương khác như Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng cũng hoãn đấu giá sau yêu cầu chấn chỉnh từ cơ quan quản lý. Các phiên đấu giá bị tạm dừng khi giá trúng gấp nhiều lần giá khởi điểm, gây xôn xao thị trường.
Tại Thanh Oai, chỉ có 13/68 lô đất trúng đấu giá được nộp tiền dù đã hết hạn thanh toán. 55 lô trúng giá từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều bị bỏ cọc.
Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property, cho rằng thị trường đang thiếu nguồn cung mới, khiến người dân đổ xô tham gia đấu giá. Giá trúng đấu giá cao bất thường còn do sự chậm trễ của địa phương trong việc cập nhật giá đất, dẫn đến giá khởi điểm thấp hơn giá thị trường, số tiền đặt cọc thấp. Quy định lỏng lẻo cho phép chuyển nhượng hoặc ủy quyền ngay sau đấu giá cũng kích thích lòng tham, kỳ vọng kiếm lợi nhuận từ việc bán chênh.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng, đánh giá việc quản lý đấu giá đất tại một số nơi chưa tốt, có hiện tượng lập hội nhóm, trả giá cao rồi bỏ cọc để thiết lập mặt bằng giá ảo. Ông đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.