
Quyết định số 497/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035 và tầm nhìn 2050 mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Hội An, khoảng 6.354,83 ha (gồm đất liền và hải đảo).
Hội An sẽ phát triển thành đô thị hạt nhân du lịch trong tam giác di sản quốc tế Hội An – Cù Lao Chàm – Mỹ Sơn và là trung tâm du lịch văn hóa nghỉ dưỡng lễ hội cấp quốc gia và quốc tế. Định hướng phát triển đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu và có khả năng chống chịu.
Dân số và quy mô đô thị:
- Năm 2035: dân số 160.000 người, đất xây dựng đô thị 2.805 ha
- Năm 2050: dân số 230.000 người, đất xây dựng đô thị 3.256 ha
Định hướng phát triển không gian đô thị:
- Phát triển đô thị về phía Tây (phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà): Tận dụng giao thông thuận lợi, kết nối với Điện Bàn và Đà Nẵng. Bổ sung quỹ đất nhà ở xã hội.
- Phát triển đô thị hỗn hợp: Bổ sung hệ thống dịch vụ và hạ tầng công cộng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và du khách. Thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, phát triển văn hóa-giáo dục, y tế, thể thao, thương mại-dịch vụ và công nghiệp sản xuất.
- Phát triển các cụm đô thị mới: Gắn với hệ thống giao thông chính, đảm bảo khả năng tiếp cận của địa phương và khu vực, tránh mở rộng tự phát, gây mất diện tích tự nhiên và đất nông nghiệp.
7 khu vực chức năng theo quy hoạch:
- Khu đô thị lịch sử di sản (388,1ha): Bao gồm phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An. Là trung tâm hành chính, văn hóa, du lịch, dịch vụ và di sản lịch sử quan trọng.
- Khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa – dịch vụ (407,6ha): Phường Cẩm Nam. Phát triển du lịch, dịch vụ kết nối với phố cổ Hội An.
- Khu đô thị phát triển mới (1.319,6ha): Phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà. Trung tâm đô thị hỗn hợp, phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp. Giảm tải cho khu vực trung tâm lịch sử, tạo điểm nhấn mới cho Hội An.
- Khu dân cư sinh thái đảo (419,1ha): Xã Cẩm Kim. Vùng sinh thái, tạo môi trường sống chất lượng cao. Phát triển du lịch gắn với cộng đồng, văn hóa bản địa và du lịch sinh thái.
- Khu đô thị và nông thôn gắn với cảnh quan sông nước (1.579,1ha): Phường Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh. Tạo không gian cảnh quan đặc trưng “đô thị nông nghiệp”, giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên.
- Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển (598,6ha): Phường Cẩm An và phường Cửa Đại. Phát triển dịch vụ-du lịch biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Kết nối Cù Lao Chàm và các địa phương khác bằng đường thủy.
- Khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển (1.644,27ha): Xã đảo Tân Hiệp. Khu dự trữ sinh quyển thế giới, có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng. Nghiên cứu, trao đổi và giáo dục về hệ sinh thái tự nhiên.