
Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình khảo sát tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo tàu bay COMAC C909. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của Trung Quốc chỉ có một số khác biệt nhỏ liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trên các nhãn mác trên tàu bay.
Cục Hàng không cho rằng việc công nhận tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo của Trung Quốc là cơ sở để tạo thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, khó khăn trong việc mở rộng đội bay, đường bay và tạo dư địa, động lực phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác với Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), COMAC cũng sẽ giúp Cục Hàng không Việt Nam thiết lập và nâng cao năng lực trong lĩnh vực giám sát, phê chuẩn các thiết kế, chế tạo tàu bay và duy trì đủ điều kiện bay của tàu bay.
Để đưa tàu bay COMAC vào khai thác, Cục Hàng không đã báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2016 của Chính phủ và Thông tư số 01/2011 của Bộ GTVT theo hướng công nhận các tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay của Trung Quốc, làm cơ sở cho nhập khẩu tàu bay vào Việt Nam. Cơ quan này cũng đã đăng ký bổ sung Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2025 và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện. Sau khi đảm bảo các quy định pháp lý về công nhận tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện bay, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai thực hiện quy trình công nhận Giấy chứng nhận loại (TC) đối với tàu bay COMAC.
Tính đến ngày 5/1/2025, 160 tàu bay C909 đã được cung cấp đến 12 hãng hàng không, đã chuyên chở hơn 19,16 triệu hành khách trên 633 đường bay tới 158 thành phố, 181 sân bay với giờ bay tích lũy hơn 550.000 giờ và hơn 330.000 lượt cất hạ cánh. Qua báo cáo của COMAC, không có tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với tàu bay C909 kể từ khi tàu bay này đi vào hoạt động. Năm 2024, giờ bay trung bình khai thác tàu bay C909 hàng ngày khoảng 5,2 giờ với độ tin cậy hơn 99%.