
Theo Quyết định 759, mô hình chính quyền địa phương mới sẽ được tổ chức lại một cách tinh gọn hơn đồng thời tăng quyền hạn cho chính quyền cấp cơ sở. Cấp xã sau sáp nhập sẽ được mở rộng về diện tích và chức năng. Chính quyền cấp xã sau sáp nhập sẽ tiếp nhận nhiều nhiệm vụ từ cấp huyện và được phân cấp mạnh hơn từ cấp tỉnh. Một trong những thay đổi lớn nhất là Chính phủ dự kiến chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã kể từ ngày 1/8.
Số lượng chức danh không chuyên trách rất đa dạng tùy theo từng địa phương:
- TP Hà Nội có 10 chức danh không chuyên trách bao gồm Phó Chủ tịch các hội đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Phó chỉ huy trưởng quân sự...
- TP HCM có 17 chức danh (theo Nghị quyết 02/2024)
- Đồng Tháp có 14 chức danh (theo Nghị quyết 43/2023)
Sau sáp nhập, những chức danh này sẽ không còn. Những người đang giữ các vị trí không chuyên trách nếu đáp ứng đủ điều kiện có thể được bố trí lại tại các thôn, tổ dân phố, còn lại sẽ nghỉ việc theo chính sách hiện hành.
Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), trung bình mỗi xã hiện có 12 người hoạt động không chuyên trách. Với hơn 10.000 xã trên cả nước, số người bị ảnh hưởng sơ bộ có thể lên tới hơn 120.000 người. Cũng theo đề án, UBND cấp xã mới sẽ chỉ tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn, gồm văn phòng HĐND và UBND, Phòng Kinh tế hoặc Kinh tế – Hạ tầng đô thị, Phòng Văn hóa – Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.