
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm vừa chủ trì buổi làm việc về môi trường và hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương.
Hai địa phương đã thống nhất 7 vị trí trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để kết nối giao thông giữa các cụm công nghiệp, cảng hàng hải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các vị trí bao gồm: đường mở mới Tây Bắc và ĐT823D, đường Lê Văn Lương và ĐT826C, đường Nguyễn Văn Bứa và ĐT824, đường Long Hậu và ĐT826E, Quốc lộ 50B và ĐT827E, đường Võ Văn Kiệt (nối dài) và Trục động lực Đức Hòa, Quốc lộ 50.
Long An đang trở thành điểm đến của doanh nghiệp trong và ngoài nước nhờ vị trí thuận lợi, dư địa phát triển lớn và nhiều chính sách mời gọi đầu tư. Giá bất động sản ở Long An được đánh giá là "vùng trũng" so với các địa phương lân cận TP.HCM.
Để tháo gỡ "điểm nghẽn" hạ tầng, Long An đang triển khai nhiều dự án quan trọng kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Tuyến Đường Vành đai 3 TP.HCM đã khởi công từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 đầu 2026. Tuyến Vành đai 4 TP.HCM cũng đang được hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội phê duyệt đầu tư.
Theo Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025, hạ tầng giao thông Long An sẽ được tập trung phát triển theo 6 trục động lực, kết nối liên vùng. Ngoài ra, sẽ xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị và nâng cấp hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh.