
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ sẽ giảm 5 bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối, bao gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ, cơ quan ngang bộ như sau:
Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Hạ tầng và Đô thị.
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. Việc hợp nhất này sẽ khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.
Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động, chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất hai bộ này sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ từ Bộ Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chính phủ cũng đưa ra phương án sắp xếp đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác, bao gồm việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Sắp xếp 2 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM.
Theo định hướng, tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031) được tinh gọn còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ) và 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan).
Sau khi sắp xếp, về cơ bản sẽ khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.
Nếu thực hiện theo phương án này, tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sẽ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các bộ.