
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại TP.HCM, UBND TP.HCM đã nhận được 21 phiếu đăng ký xây dựng 52.167 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 của các doanh nghiệp.
Trong đó, 9 doanh nghiệp đăng ký xây dựng 11.614 căn nhà ở xã hội trên các quỹ đất thuộc quyền sở hữu của mình. 12 doanh nghiệp cam kết tìm quỹ đất để xây dựng 40.553 căn từ nay đến năm 2030.
Cùng với 7 khu đất TP.HCM dự kiến đấu thầu dự án để tìm chủ đầu tư, TP.HCM có khoảng 28 dự án với quy mô 60.000 căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, TP.HCM đang đầu tư công 10.000 căn nhà ở xã hội, nâng tổng số nhà sẽ hình thành lên 70.000 căn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp tham gia đề án nhà ở xã hội. TP.HCM giao Sở Kế hoạch Đầu tư và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM phối hợp để rà soát lại, trong tháng 6 hoặc tháng 7/2025 trình HĐND TP.HCM về mức hỗ trợ và quy trình sát với chính sách khuyến khích của TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét quỹ đất 20% tổng diện tích đất ở thuộc phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, mong muốn Bộ Xây dựng gỡ vướng mắc để việc triển khai thực hiện nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cải cách quy trình hồ sơ thủ tục cũng như điều chỉnh các quy định sau khi sắp xếp lại các cơ quan bộ, sở ngành.
Theo thống kê năm 2019, dân số TP.HCM chỉ khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, cứ bình quân mỗi năm TP.HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người.
Tốc độ gia tăng nhanh của dân số đặt ra những yêu cầu cao về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là nơi cư trú của người dân. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội được xem là một trong những giải pháp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cần tập trung vào các yếu tố cốt lõi như quỹ đất, hỗ trợ tín dụng và đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Chi phí mua đất cần được tính toán đúng và đủ, đồng thời lãi suất cho vay nên được giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn.