
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) - Long Thành. Bộ GTVT thống nhất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đủ năng lực làm chủ đầu tư và quản lý, khai thác vận hành tuyến cao tốc này.
Việc giao VEC thực hiện dự án sẽ phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc. Điều này cũng phù hợp với kế hoạch giao tài sản này cho VEC trong thời gian tới, thông qua hình thức tăng vốn điều lệ, không phải sử dụng vốn đầu tư công, thời gian thực hiện ngắn hơn và không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới khi đầu tư theo phương thức PPP.
Về nguồn vốn, VEC cần được khoanh và lùi trả gốc và lãi gần 4.000 tỷ đồng từ giai đoạn 2022 - 2026 sang giai đoạn 2031 - 2034 để có vốn chủ sở hữu thực hiện dự án.
Dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km. Đoạn từ nút giao Vành đai 2 TPHCM đến nút giao Vành đai 3 TPHCM mở rộng lên 8 làn xe. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 TPHCM đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.955 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 5.555 tỷ đồng và vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng. VEC sẽ huy động 100% vốn để thực hiện đầu tư dự án và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn. Nguồn vốn ngân sách trung ương/ngân sách địa phương sẽ được sử dụng thực hiện giải phóng mặt bằng và tách thành dự án độc lập theo hình thức đầu tư công.
Dự án dự kiến chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 tới 2025, thực hiện từ năm 2025 đến năm 2027. Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, quy mô 4 làn xe đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn ứ. Việc triển khai dự án mở rộng sớm sẽ góp phần giảm áp lực giao thông, kết nối vùng, đặc biệt khi sân bay Long Thành hoàn thành vào năm 2026.