
Tỉnh Long An hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với tổng diện tích đất công nghiệp là 4.278ha, trong đó diện tích đã cho thuê là hơn 2.912ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,08%. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.950 dự án, bao gồm 997 dự án FDI và 953 dự án trong nước. Riêng năm 2024, có thêm 96 dự án mới, trong đó có 75 dự án FDI với tổng vốn hơn 540 triệu USD và 21 dự án trong nước với tổng vốn hơn 1.227 tỷ đồng.
Diện tích đất sạch còn lại có thể cho thuê trong 26 khu công nghiệp là hơn 684ha. Giá thuê đất dao động từ 150 - 275 USD/m2/chu kỳ thuê, tùy theo vị trí. Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp mới với diện tích tăng thêm gần 3.200ha, nâng tổng số khu công nghiệp lên 51 khu với tổng diện tích gần 12.500ha. Với số lượng này, Long An sẽ trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước (sau Bình Dương) về diện tích khu công nghiệp.
Ngoài ra, Long An còn có kế hoạch bổ sung 37 khu công nghiệp tiềm năng. Các khu công nghiệp được phân bổ dựa trên tính chất chức năng và lợi thế quỹ đất, cửa ngõ đô thị TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cụ thể, vùng công nghiệp trung tâm thành phố Tân An - Bến Lức sẽ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Vùng công nghiệp tập trung vùng phía Bắc (huyện Đức Hòa) sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến. Vùng công nghiệp phía Đông tại huyện Cần Giuộc - Cần Đước sẽ phát triển hỗ trợ công nghiệp cảng và các ngành hạ nguồn sử dụng dịch vụ cảng, với cảng biển Long An là hạt nhân. Vùng công nghiệp phía Tây (thị xã Kiến Tường) sẽ hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Campuchia. Các vùng công nghiệp khác sẽ hỗ trợ các cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị trên địa bàn tỉnh.