
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội năm 2024 của tỉnh Đồng Nai, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã thông tin về phương án xây dựng hầm thay thế cho cầu Cát Lái.
Việc nghiên cứu phương án hầm được tiến hành do lo ngại cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng Cát Lái (TP.HCM).
Dự kiến, phần hầm hoặc cầu chính sẽ được thực hiện theo hình thức BOT, còn đường dẫn hai bên sẽ do từng địa phương triển khai.
Dự án cầu thay phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, do cầu Cát Lái cần có độ thông thuyền cao, dẫn đến việc thu hồi diện tích đất lớn ở hai đầu cầu, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và hoạt động của cảng Cát Lái, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương chấp thuận cho nghiên cứu thêm phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai.
Trước đó, Công ty CP Fecon và đối tác là Công ty Shanghai Tunnel Engineering Co.STEC đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai về phương án xây dựng hầm vượt sông thay thế xây cầu.
Hai phương án xây dựng hầm vượt sông Đồng Nai đã được đưa ra, bao gồm hầm hở phía TP.HCM và Đồng Nai, cùng với phần hầm kín vượt sông. Cả hai phương án đều có 2 tuyến hầm chạy song song.
Phương án 1 đề xuất 8 làn đường với 4 làn đường mỗi hầm, vận tốc thiết kế 80km/h, chiều dài tuyến hơn 2,3km.
Phương án 2 đề xuất 6 làn đường với 3 làn đường mỗi hầm, chiều dài tuyến hơn 1,7km.
Theo doanh nghiệp đề xuất, đây là các phương án gợi mở do thời gian nghiên cứu ngắn và chưa có số liệu đầy đủ.
Tuy nhiên, phương án rẻ nhất và nhanh nhất để thi công hầm thay cho xây dựng cầu Cát Lái có chi phí từ 9-10 nghìn tỷ đồng và thời gian thi công dưới 2 năm.