
Thị trường bất động sản ở một số nơi đang chứng kiến sự biến động mạnh với giá đất tăng đột biến do thông tin sáp nhập tỉnh thành. Tuy nhiên, đằng sau cơn sốt này là những rủi ro tiềm ẩn và bài học từ quá khứ mà các nhà đầu tư cần lưu tâm.
Dậy sóng vì thông tin sáp nhập
Thành phố Việt Trì, Phú Thọ đang trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản. Giá đất tại các phường trung tâm như Thanh Miếu, Gia Cẩm, Trưng Vương, Bạch Hạc, Sông Lô, Thọ Sơn đã tăng từ 20-30%, thậm chí có những khu vực có hạ tầng giao thông đồng bộ ghi nhận mức tăng lên đến 50% so với cuối năm 2023. Đây là những khu vực được coi là cửa ngõ của thành phố Việt Trì, tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, và nằm trong khu vực trung tâm hành chính của tỉnh Phú Thọ.
Theo chia sẻ của một số môi giới bất động sản tại địa phương, hơn nửa tháng qua, lượng nhà đầu tư từ các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đổ về Việt Trì để săn lùng đất đã tăng đột biến. Những khu đô thị từng bị bỏ hoang nhiều năm nay cũng bất ngờ 'sống lại'.
Điển hình là khu đô thị Bến Gót (phường Thọ Sơn), nơi chỉ có 3 ngôi nhà được xây dựng, còn lại là các lô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Tuy nhiên, gần đây, mỗi ngày có hàng chục nhà đầu tư tìm đến hỏi mua và chốt giao dịch. Giá đất tại đây đã tăng từ mức 15 triệu đồng/m² trước Tết lên 26-27 triệu đồng/m² chỉ trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân chính của cơn sốt đất tại Phú Thọ được cho là xuất phát từ thông tin về đề xuất sáp nhập một số tỉnh, thành phố. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, việc sáp nhập sẽ kéo theo quy hoạch mở rộng và nâng cấp hạ tầng, từ đó đẩy giá bất động sản tăng mạnh.
Cẩn trọng 'tiền mất tật mang'
Trong bối cảnh thị trường đang nóng lên từng ngày, các chuyên gia và luật sư đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng 'sốt đất ảo'.
Luật sư Tạ Thị Khánh Chi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay không ít môi giới bất động sản đang cố tình khuếch đại thông tin về sáp nhập tỉnh thành để thu hút khách hàng và đẩy giá bất động sản lên cao. Một số 'cò đất' còn tận dụng thông tin này để đánh vào tâm lý đầu tư, dẫn đến tình trạng sốt đất không có cơ sở thực tế.
Luật sư Khánh Chi cũng nhấn mạnh rằng, trong quá khứ, việc sử dụng tin đồn để kích động sốt đất đã từng gây ra các 'bong bóng' bất động sản, khiến nhiều nhà đầu tư phải chịu thiệt hại nặng nề. 'Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng và không để tâm lý đám đông chi phối quyết định của mình. Việc tăng giá bất động sản trong ngắn hạn chưa chắc đã đồng nghĩa với sự tăng trưởng bền vững', bà Khánh Chi khuyến cáo.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc, chỉ ra rằng một sai lầm phổ biến của nhà đầu tư Việt Nam là cho rằng đất gần trụ sở hành chính sẽ tăng giá. Tuy nhiên, khu vực này thường yên tĩnh và trang nghiêm, không thu hút dân cư hay hoạt động kinh tế sôi động. Giá bất động sản chỉ tăng mạnh ở nơi có kinh tế phát triển và giao thông thuận lợi.
Ông Quyết cũng nhắc lại trường hợp sáp nhập Hà Tây và Mê Linh vào Hà Nội năm 2008. Nhiều người kỳ vọng giá đất sẽ tăng vọt ngay sau sáp nhập, nhưng thực tế phải mất 10-15 năm giá đất mới tăng nhờ phát triển hạ tầng và kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cũng lấy ví dụ từ việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008. Giá đất tại thị xã Hà Đông đã tăng mạnh sau khi sáp nhập và có các tuyến đường mới. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng có sự bứt phá như vậy.
Ông Nguyễn Thế Điệp nhấn mạnh, nhà đầu tư cần nắm bắt thông tin vĩ mô, chính trị, kinh tế và đặc biệt là theo dõi sát sao thông tin quy hoạch từ các cơ quan Nhà nước. Đầu tư bất động sản cần dựa trên tiềm năng phát triển thực tế của khu vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các dự án công cộng, thay vì chạy theo xu hướng thị trường ngắn hạn.
Ông Quyết khuyên nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá cao, vì giá bất động sản phụ thuộc vào kinh tế và hạ tầng, chứ không phải trung tâm hành chính. Ông cũng đưa ra lời khuyên rằng nên tiếp tục đầu tư vào những khu vực đang phát triển tốt như Bắc Ninh, vì các dự án lớn đã được rót vốn sẽ không dịch chuyển dù có sáp nhập, và bản chất của sáp nhập chỉ là mở rộng không gian phát triển, không làm thay đổi toàn bộ cục diện kinh tế.